* Lễ Giáng sinh
Lễ là sự kiện kỷ niệm ngày Chúa Giê-su Ki-tô giáng sinh làm người của cộng đồng cư dân theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành. Lễ còn được gọi là lễ Noel, Noen, là một đại lễ và là nghi lễ tôn giáo có tính quốc tế.
Lễ này được tổ chức vào đêm ngày 24 và ngày 25 tháng 12 dương lịch. Nghi lễ cử hành vào đêm ngày 24 được gọi là Lễ vọng Giáng Sinh, nghi lễ chính cử hành vào ngày 25. Trong đêm 24, trước nghi thức lễ vọng giáng sinh là chương trình hát múa mừng Chúa Giáng sinh và phần canh thức gồm các tiết mục hoạt cảnh trích diễn từ các sự kiện ghi chép trong Kinh Thánh.
Nghi thức lễ vọng Giáng sinh bắt đầu lúc 21 giờ 30, kéo dài khoảng 90 phút. Có 2 linh mục tham gia cử hành nghi thức lễ nên gọi là lễ đồng tế, trong đó vị chủ tế là linh mục trưởng giáo xứ. Nghi thức lễ của nghi lễ chính trong ngày 25 cũng tiến hành như đêm hôm trước. Tuy nhiên, nếu đêm 24, ngoài các tín đồ Tin Lành và Thiên Chúa giáo, còn có nhiều du khách cũng như người không theo đạo là thanh thiếu niên, học sinh sinh viên tham dự nghi lễ thì trong thánh lễ chính ngày 25 chỉ có các tín đồ tham dự.
Vào dịp lễ, ngoài các nhà thờ lớn như nhà thờ Công Giáo Hội An, nhà thờ Tin Lành trang trí trang hoàng rực rỡ; tại nhà các tín đồ, nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê…ở Hội An cũng làm hang đá Bêth-lem, nơi Chúa hài đồng ra đời, dựng cây thông Noel, hình Ông già Noel, ngôi sao Giáng Sinh bằng dây điện đủ màu sắc, tạo nên một không gian phố cổ với không khí vui tươi, ấm áp trong cái giá lạnh của mùa Giáng Sinh.
* Lễ Phục sinh
Lễ Phục sinh được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Đạo Thiên Chúa. Lễ thường diễn ra vào một chủ nhật cuối tháng 3 hoặc đầu giữa tháng 4 hàng năm để tưởng niệm sự kiện Phục sinh của chúa Giê-su từ cõi chết sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá. Lễ được tổ chức tại nhà thờ Công giáo Hội An, các nhà thờ khác tại địa phương, và tại gia đình các tín đồ Thiên chúa giáo.
* Lễ Phật Đản
Lễ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 4 âm lịch.
Theo quan niệm của đạo Phật cũng như đạo hữu, rằm tháng 4 là một ngày rằm đặc biệt, ngày rằm mừng lễ đản sinh của đức Phật. Mục đích của lễ là tưởng niệm ngày sinh đức Thích Ca Mâu Ni, đồng thời làm lễ cầu an cho đồng bào, chư tăng, ni…
Trước ngày rằm, các chùa chiền, tịnh xá đều huy động phật tử, thiện nam tín nữ dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng từ cổng ngõ đến chính điện…, một số chùa còn tổ chức cắm trại, làm khán đài biểu diễn văn nghệ mừng Phật đản. Các gia đình phật tử cũng trang trí cờ Phật (giáo kỳ), bày biện lễ vật, tụng kinh phật đản và tổ chức tụng kinh cầu an cho toàn gia và siêu độ cho tổ tiên ông bà.
Nội dung trang trí, trang hoàng cho đại lễ Phật Đản đều xoay quanh các đề tài như đức Phật sơ sinh đi bảy bước nở bảy bông sen, hoặc ra các hình ảnh mô tả quá trình tu hành, đắc đạo, giảng giải đạo pháp và cảnh đức Phật nhập niết bàn...
Mở đầu lễ Phật đản là lễ chiêm ngưỡng giáo kỳ (chào cờ của đạo Phật) và lễ đọc thông điệp của đức Pháp Chủ giáo hội phật giáo Việt Nam gởi chư tăng ni, gia đình phật tử nhân lễ phật đản. Sau đó đến lễ tụng niệm diễn ra khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau phần lễ đến phần hội, là cuộc diễu hành xe hoa, lễ phóng sinh, phóng đăng. Đến 20 giờ tối các chương trình văn nghệ mừng Phật Đản bắt đầu và các nghi thức cúng dường đản sinh của đức Phật cũng diễn ra trong sự thành kính, nghiêm trang.
* Lễ Vu Lan
Vu lan là một lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch tại các chùa Phật. Vu Lan là lễ hội báo ân, báo hiếu, đồng thời do trùng với tiết Trung Nguyên (15/7 âm lịch) nên từ lâu ở Hội An, lễ đã được bản địa hóa và gắn với ý nghĩa xá tội vong nhân và phổ độ chúng sinh.
Lễ được tổ chức rất qui mô tại một số chùa như Pháp Bảo, Chúc Thánh, Phước Lâm, Ngọc Cẩm…Vào dịp này, khuôn viên các chùa được trang trí cờ phướn rực rỡ.
Lễ đặc biệt nhộn nhịp và rực rỡ vào ban đêm với các nghi thức múa đèn, dâng y cho cho tăng ni, liên hoan văn nghệ và các hoạt động vui chơi khác thu hút được nhiều người và bà con Phật tử tham gia.
Để hướng về cha mẹ, vào mùa Vu Lan, phật tử có tục cài lên ngực một bông hoa hồng cho những ai còn mẹ hoặc một bông hồng trắng nếu mẹ người đó đã mất.
* Lễ giỗ Tổ sư Minh Hải
Lễ được cộng đồng cư dân theo đạo Phật tổ chức vào ngày 7 tháng Mười Một âm lịch, nhằm tưởng nhớ đến tổ sư Minh Hải, người có công truyền bá và lập nên hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An, Đàng Trong vào thế kỷ XVII.
Thiền sư Minh Hải tên tục gia là Lương Thế Ân, người gốc phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc. Theo lời mời của chúa Nguyễn, Ông là một trong mười nhà sư Trung Hoa đã đến Đàng Trong để truyền bá Phật pháp.
Hằng năm, vào ngày này, bà con Phật tử ở địa phương, trong tỉnh và các tỉnh thành trong nước tập trung về chùa Chúc Thánh để tiến hành lễ giỗ Tổ Minh Hải rất trọng thể và linh đình.
Cùng với phần lễ, các hoạt động vui chơi giải trí như trưng bày thư pháp, bích báo, trang trí trại, biểu diễn văn nghệ, thi các trò chơi tập thể…cũng được tổ chức rất sôi nổi.
Đây là lễ giỗ tổ của một hệ phái Phật giáo khởi phát từ Hội An, mang nhiều nét độc đáo cần được duy trì để chứng minh cho sự đa dạng về văn hóa - lễ hội của Hội An.