Nhóm lễ hội cộng đồng thường liên quan đến thời vụ nông nghiệp, theo các ngày tiết liên quan đến chu kỳ mặt trời, mặt trăng vốn phổ biến ở nhiều nước phương Đông và trong khu vực. Đó là các lễ hội như Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, Đoan Ngọ, Trung Thu…
Nhóm lễ hội gắn với thần bảo hộ, các vị có công với bà con người Hoa trong việc buôn bán, cư trú, phát triển cộng đồng thường khác biệt về nội dung, cách tổ chức so với các lễ hội khác tại địa phương, tạo thành một nét mới mẻ. Đó là các lễ hội, lễ vía Thiên Hậu, Quan Công, Lục tánh Vương gia, Bổn đầu công, Sanh thai Tiên nương…
Hầu hết các lễ hội của người Hoa đều gắn với tín ngưỡng sông nước của cư dân vùng duyên hải Nam Trung Hoa. Các hoạt động phụ trợ trong các lễ hội người Hoa ở Hội An tuy được tổ chức với quy mô và địa bàn hẹp, thời gian ngắn nhưng khá phong phú, đa dạng, có bài bản.
* Tết Đoan Ngọ:
Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mồng 5 tháng Năm âm lịch, là tết của người phương Nam, tức là của cả vùng Nam Trung Hoa và Việt Nam. Đoan có nghĩa là mở đầu/bắt đầu; Ngọ là giờ ngọ, đồng thời Ngọ cũng là tháng giữa năm theo giờ - lịch âm. Tức là nghi lễ được mở đầu vào giữa trưa (giờ Ngọ - ngày mồng 5) và cũng là tháng giữa của một năm (tháng Ngọ-tháng 5) theo âm lịch.
Tết Đoan ngọ là lễ cúng trời đất khi chuyển qua một tiết mới và được tổ chức ở mỗi gia đình, đến ngày này con cháu đều tụ họp về gia đình để họp mặt và cúng tổ tiên ông bà. Các loại chè, bánh ú tro, mít, vịt là những thức cúng phổ biến trong Tết Đoan Ngọ. Ngoài ra, các các loại trái cây và thức cúng khác cũng được sử dụng trong dịp này.
* Lễ vía Lục tánh Vương gia:
Lễ vía Lục tánh Vương gia (Lục tánh Vương gia công bửu đản) là một lễ lệ lớn trong năm của kiều dân bang Phúc Kiến ở Hội An được tổ chức vào ngày 16 tháng Hai âm lịch.
Đây là lễ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Hội An đối với Lục tánh Vương gia - sáu vị tướng trung thành của nhà Minh, do không chịu khuất phục nên trỗi dậy chống lại nhà Thanh và đã tử trận. Lễ này thu hút đông đảo quần chúng nhân dân ở địa phương, ở các tỉnh thành lân cận và đông đảo du khách tham gia.
Chiều tối ngày rằm tháng Hai, người ta tổ chức cúng chay. Trên bàn thờ chỉ bày biện hoa quả, bánh ngọt, chè xôi và một ít món chay.
Sáng ngày 16 là ngày diễn ra lễ tế trọng đại. Lễ vật là heo quay, vịt tiềm bát bửu, bún xào Phúc Kiến, hoa quả… Khoảng 9-10 giờ sáng, lễ chính thức bắt đầu, xong lễ thì đến tiệc chiêu đãi quan khách. Trong tiệc có thêm trò chơi xổ số để gây không khí vui vẻ cho buổi tiệc.
Những người trúng số được xem như là những người may mắn được hưởng lộc Ông nên phần thưởng tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn, nhất là tạo được niềm tin cho người trúng thưởng rằng mình đã sống tốt mới xứng đáng được ơn trên tặng quà, ban lộc.
* Lễ vía Quan Công:
Hàng năm, vào ngày 24 tháng Sáu âm lịch, Quan Công Miếu Hội An đều tổ chức Lễ vía Quan Thánh Đế Quân (Quan Công). Đây là một trong những lễ hội lớn, một sinh hoạt tín ngưỡng thu hút đại đa số nhân dân trong vùng và nhiều địa phương khác.
Ngay sáng sớm tinh mơ, lễ đã được bắt đầu với các hoạt động khi đội nhạc tề tựu hai bên tả hữu. Trong điện khói hương trầm nghi ngút, chuông trống vang lừng, sẵn sàng bước vào lễ tế.
Ngay chính điện, người ta bày nguyên một con heo quay, một mâm xôi vò, một mâm bánh bao và nhiều hoa quả, áo giấy.
Sau phần tế lễ là một đám rước linh đình gồm đội cờ, đội khiêng kiệu, đội nhạc kèn, đội trống chiêng, long đình, long kiệu và các bô lão trong làng…
Tuỳ từng thời kỳ mà quy mô tổ chức sẽ lớn hay nhỏ nhưng luôn lễ hội luôn được duy trì hằng năm bởi nó mang ý nghĩa sâu sắc đối với người dân địa phương khi ai cũng hiểu rằng việc tổ chức lễ hội ở đây là để chính là tôn vinh một tấm gương Trung – Tín – Tiết – Nghĩa, yêu công lý, ghét gian tà, những chuẩn mực rất điển hình của đạo đức phương Đông.