LỄ HỘI CỔ TRUYỀN
LỄ HỘI CỔ TRUYỀN
(09/06/2015)
Truyền thống giao lưu văn hóa qua nhiều thời kỳ đã tạo nên tính nhân văn, nét thoáng mở trong các tập tục, lễ nghi, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Hội An. Có thể nói, ở Hội An mỗi một di tích văn hóa - tín ngưỡng đều gắn với phần hồn của di tích ấy là sinh hoạt lễ hội được tổ chức trên ở cấp làng, xã hoặc xóm, thôn, nhóm nghề nghiệp...

Lễ hội xuất phát từ nhu cầu cuộc sống; từ sự tồn tại và phát triển cho cả cộng đồng; sự bình yên cho từng cá nhân; niềm hạnh phúc cho từng gia đình; sự vững mạnh cho từng dòng họ…

Lễ là phần nghi thức, liên quan đến tín ngưỡng dân gian hoặc tôn giáo chính thống, thiên về mối quan hệ giữa người với giới siêu thực, giới tự nhiên. Hội là phần phát triển, nối tiếp với lễ, liên quan nhiều đến hoạt động vui chơi, nghệ thuật, thiên về mối quan hệ giữa người với người hơn, không gian mở rộng hơn.

Lễ hội luôn gắn với phong tục, tập quán, đời sống, sản xuất, sinh hoạt vật chất, tinh thần; tôn giáo, tín ngưỡng …

Chính không gian cổ kính của phố cổ cùng sự đôn hậu, lòng hiếu khách của người Hội An đã làm cho sinh hoạt lễ hội ở đây thiêng liêng, sâu lắng nhưng vẫn rất ấm áp, gần gũi và có sức hấp dẫn riêng.

Ở Hội An gần như quanh năm bốn mùa đều diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống. Đó là các lễ hội của cư dân sông nước như lễ hội cầu ngư - tế Cá Ông - đua thuyền...; của cư dân nông nghiệp như lễ hội Cầu Bông, Mục đồng...; của các ngành nghề truyền thống như lễ Tế Tổ nghề Mộc, nghề Gốm, nghề May, nghề Khai thác yến sào...; của người buôn bán như lễ vía Tài Thần, vía Thiên Hậu Thánh Mẫu...; của tôn giáo, tín ngưỡng như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, Long Chu, lễ vía Quan Công...;  của cả cộng đồng cư dân bản địa như như Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu...

Ngoài ra còn có các lễ hội tế Xuân, tế Thu ở từng cộng đồng làng, thôn, xóm, ấp...
Trong những năm gần đây các lễ hội hiện đại, các sự kiện văn hóa - du lịch, kỷ niệm những ngày lễ lớn được tổ chức khá tốt ở nhiều cấp độ khác nhau, từ cấp thành phố đến cấp tỉnh và cả ở tầm quốc gia và quốc tế.

* Tết Nguyên Đán:

Lễ Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Hội An nói riêng vốn mang tính thống nhất cộng đồng xã hội, và tính nhân văn cao.

Tết là điểm xuất phát của ngày mới, tháng mới, năm mới, là dịp con người hướng tới các giá trị cao đẹp như tính lịch sự, lòng cao thượng, nhân ái, bao dung thể hiện qua những lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

Tết Nguyên Đán là thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là ngày hội lớn của một chu kỳ vận hành vũ trụ, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên và mang một giá trị nhân văn sâu sắc.

Tết diễn ra trong 3 ngày, từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng Giêng âm lịch. Lễ mừng năm mới diễn ra tại đình, miếu, chùa, hội quán, nhà thờ tộc họ, các gia đình… trên toàn địa bàn thành phố.

Trong những ngày Tết, các gia đình và cộng đồng, sau khi tổ chức các nghi thức lễ tưởng niệm các vị thần và tổ tiên ông bà, sẽ mở rộng cửa tiếp đón bà con, bè bạn đến thăm nhà và nhận bao lời chúc tốt đẹp mà ai cũng thấy ấm lòng, mát dạ.

* Tết Nguyên Tiêu:

Nguyên tiêu (Nguyên là đầu tiên, tiêu là đêm – Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên của một năm) còn gọi là Tết Thượng Nguyên.

Tết Nguyên Tiêu là ngày 15 tháng Giêng âm lịch, ngày Thiên quan Tứ phước, ngày các quan trời ban bố phước lành cho khắp cả nhân gian. Do vậy phải tổ chức cúng tế cầu an, cầu phước đồng thời mở hội vui chơi để chuẩn bị bước vào công việc của năm mới với ước vọng vạn sự như ý.

Vào ngày này các đình làng, chùa chiền và hội quán đều tổ chức cúng tế long trọng, giăng đèn kết hoa rực rỡ, không khí nhộn nhịp vui tươi. Tại các hội quán, lễ tế thường diễn ra  vào khoảng 10 giờ trưa, sau đó là phần hội rất sôi nổi vui tươi như: múa lân, ca hát, xổ số, xin lộc làm ăn và cầu mong cho gia đình hạnh phúc, bình an vô sự.
Nhân ngày rằm đầu tiên của năm, người ta bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với chư Phật, chư thần, các vị tiền nhân…cầu mong cuộc sống ấm no.

* Lễ Tế xuân:

Lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tạ ơn các vị tiền hiền và các vị thần linh, các bậc khoa bảng trong địa phương đồng thời cầu mong đạt được những thành quả tốt đẹp trong năm mới.
Trước đây, trong lễ có tổ chức xô cộ, tống Long chu. Lễ được tổ chức vào mùa xuân, tại nhiều nơi trong cộng đồng dân cư địa phương. Cộng đồng cư dân ấp Xuân Lâm (cũ), làng Cẩm Phô tổ chức tại đình ấp Xuân Lâm vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch; cộng đồng cư dân làng Cẩm Phô (cũ) tổ chức tại Văn Thánh miếu Cẩm Phô vào ngày 16 tháng Hai âm lịch; cộng đồng cư dân làng Minh Hương tổ chức tại Minh Hương Tụy Tiên Đường vào ngày 19 tháng Ba âm lịch hàng năm...

Lễ Tế xuân luôn mang một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân bởi nó còn là lễ cầu an cho cả làng cả xóm, cho các tộc họ, cho các hộ gia đình và cho mỗi cá nhân trong cả cộng đồng.

* Lễ Cầu Bông: 

Lễ cúng Cầu bông là của cộng đồng cư dân nông nghiệp. Ở Hội An, hầu hết các làng xã nông nghiệp đều tổ chức lễ gắn với lễ cầu an, cúng đất của làng hàng năm vào đầu mùa xuân.
Hàng năm đến ngày mồng 7 tháng Giêng lễ cúng Cầu Bông được tiến hành tại Miếu Thần Nông, nơi thờ Thần Nông, vị thần đã dạy dân trồng lúa, hoa màu và các vị thần bảo hộ nông nghiệp khác. Cũng trong ngày này, nhà nhà đều cúng cầu bông, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối đơm bông kết trái và dân cư được an bình, thịnh vượng.

Hiện nay, lễ cúng Cầu Bông diễn ra tại Miếu Xóm thuộc làng rau Trà Quế, sau đó người dân về nhà cúng tại nhà riêng. Ngoài phần lễ truyền thống, còn có phần hội hết sức đông vui náo nhiệt như: thi vớt rong, làm đất, gieo trồng đến việc thi chế biến món ăn... Phần hội ở đây không phải để khoe sắc, khoe tài của các cô gái, chàng trai mà để thể hiện sự cố kết cộng đồng và khẳng định tài năng và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp đúng nghĩa vững tay cuốc, dẻo tay trồng.

* Lễ Cầu Ngư, cúng Tiền Hiền:

Lễ hội Cầu Ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của bà con ngư dân.

Lễ cầu ngư thường được tổ chức vào giữa tháng Hai âm lịch. Cộng đồng cư dân làm ngư nghiệp ở ấp An Bàng (nay là khối An Bàng-phường Cẩm An) tổ chức Lễ cầu ngư vào ngày 12 tháng Hai âm lịch tại lăng Ông. Cộng đồng ngư dân ở Phước Trạch (khối Phước Thịnh-phường Cửa Đại) tổ chức vào ngày 16 tháng Hai âm lịch tại lăng Tiêu Diện. Cộng đồng ngư dân ở Cẩm Kim  tổ chức vào ngày 28 tháng Hai âm lịch tại lăng Ông Cẩm Kim. Lễ gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông (cá Voi), vật linh của ngư dân miền biển.

Lễ hội cầu ngư ở Hội An luôn tạo được sự cộng cảm cao của người trực tiếp tham gia hành lễ lẫn người dự lễ bởi tinh thần ăn quả nhớ kẻ trồng cây luôn được biểu hiện ở mức cao nhất nhằm tạ ơn biển cả và cầu mong thần Nam Hải ban cho một vụ mùa bội thu.

Thông qua lễ hội, bà con các ngư dân có dịp thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần để chuẩn bị sẵn sàng cho một năm mới đánh bắt vất vả, cực nhọc. Đây cũng là cơ hội để họ gặp gỡ nhau đổi trao kinh nghiệm cũng như chúc nhau những điều tốt lành.

* Cúng tổ nghề Mộc:

Làng mộc nổi tiếng của Hội An là làng mộc Kim Bồng, một trong những làng nghề lớn còn bảo tồn nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống trong đó có Lễ tế Tổ nghề mộc vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch được tổ chức hàng năm tại đình tiền hiền Kim Bồng, thôn Phước Thắng, xã Cẩm Kim.

Đến ngày mồng 6 tháng Giêng, từ lúc sương xuân còn đang lan phủ làng quê Kim Bồng thì mọi người đã có mặt tại đình làng để chuẩn bị lễ vật và bố trí, cắt đạt mọi thứ  cho buổi tế lễ diễn ra ngay trong buổi sáng.

Trong không khí nghi ngút khói hương tràn đầy giao cảm giữa con người với thế giới tâm linh, văn tế được xướng lên tế cáo về sự tri ân đối với các vị thần của nghề nghiệp như thần Cửu Thiên Huyền nữ (vị thần của bách nghệ), Lỗ Ban, Lỗ Bốc (hai vị thần tổ của nghề mộc), Lịch đại Tiên sư, các vị tiền hiền của làng đồng thời là tổ nghề mộc của làng và các vị thần cai quản làng xóm là Thành Hoàng, Thổ địa, Ngũ Hành.

Lễ cúng tổ Nghề mộc là một hoạt động tín ngưỡng đặc trưng, khá qui mô, thu hút bà con trong làng tham gia, phản ánh sự phát triển không ngừng của làng mộc cả về qui mô sản xuất lẫn dời sống văn hóa tinh thần.

* Lễ tế Tổ nghề gốm Nam Diêu:

Lễ tế tổ vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, do cộng đồng cư dân làm nghề gốm ở ấp Nam Diêu - làng Thanh Hà tổ chức. Lễ được tổ chức rất công phu, diễn ra lần lượt tại các miếu trong làng rồi lễ tế chính tại miếu Tổ nghề.

Trong không gian thành kính của đại lễ, ban tế lễ, dân làng gốm tri ân các vị thần nghề nghiệp, ngưỡng vọng công đức các vị tiền hiền làng gốm đã có công phò giúp, gây dựng nên nghiệp gốm, hỗ trợ hậu thế phát triển nghề và cầu mong được phù hộ cho một năm sản xuất mới được tốt đẹp, bình an, may mắn.

Ngày nay, ngoài phần lễ dân làng còn tổ chức phần hội với nhiều trò chơi đặc trưng như: trổ tài chuốt gốm, thi làm đất, nặn con thổi, các trò chơi dân gian trẻ em…

* Giỗ tổ nghề may:

Nghề may là một nghề truyền thống có từ lâu đời của người Việt Nam và bắt nguồn từ khi con người biết trồng dâu nuôi tằm. Riêng ở Hội An, theo các bậc cao niên truyền lại và căn cứ bài vị của một số tiệm may đang thờ thì Tổ Nghề May ở Hội An là bà Nguyễn Thị Sen. Tương truyền Bà sinh vào ngày 12  tháng Chạp, tạ thế vào ngày 12 tháng Giêng.

Để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đến vị Tổ nghề, người đã khai sáng ra nghề may mặc, hầu hết thợ may Hội An đều tổ chức Giỗ Tổ vào ngày sinh của Bà.
Ngoài ý nghĩa ôn cố tri ân, việc giỗ Tổ còn là dịp để khẳng định, tôn vinh và giới thiệu những thành tựu của nghề nghiệp.
Ngày nay, sau phần lễ chính, phần hội được diễn ra với hoạt động trình nghề thông qua những hiệp thợ khéo tay do các nhà may thi cắt may tại chỗ.

* Lễ tế Tổ Nghề Yến:

Lễ cúng Tổ nghề được cư dân tổ chức ở hai nơi, một tại đất liền ở làng Thanh Châu, một tại thôn Bãi Hương-xã đảo Tân Hiệp-Cù Lao Chàm vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch.
Lễ là một trong những lễ hội lớn của làng Thanh Châu nói riêng và Hội An nói chung, vì đây không những là lễ tế Tổ của một nghề mà còn được xem làng lễ cúng cầu an đầu năm cho cả cộng đồng cư dân sinh sống trong làng.

Khi phần tế lễ đã xong, các hoạt động hội sôi động sẽ diễn ra như thi kéo co, đá bóng bãi biển, đua thuyền tiếng hoặc thuyền ngang, biểu diễn hát tuồng… để làm tăng thêm không khí vui nhộn trong ngày lễ hội.

* Giỗ tổ Hùng Vương:

Lễ tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm, hiện nay Hội An thường tổ chức tại Tượng đài Chí sĩ Quảng Nam.

Ngày giỗ tổ Hùng Vương có từ thời Lê, do vua Lê Thánh Tông lập ra. Khi đất nước hưng thịnh, vua Lê đã lấy một ngày để tưởng nhớ đến quốc Tổ xa xưa của nước Việt; đồng thời nâng cao hơn nữa niềm tự hào dân tộc.

Lễ tế chính thức diễn ra trong không khí trang nghiêm, tiếp theo là hoạt động văn nghệ với chủ đề về quê hương đất nước để tưởng nhớ đến quốc Tổ.

* Tết Trung Thu:

Tết Trung Thu hay tiết Trung Thu là tiết giữa mùa thu. Cứ đến ngày rằm tháng Tám âm lịch, khi mà vầng trăng tròn nhất trong năm vành vạch chiếu sáng lộng lẫy xuống thế gian thì Hội An, cũng như khắp nơi ở Việt Nam và nhiều nước Đông, Đông Nam Á đều náo nức tổ chức ngày lễ tết Trung Thu.

Lễ hội Trung Thu hàm chứa nội dung dấu vết của nghi lễ hội mùa, về sự sinh sôi, nảy nở và cầu cho “Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”. Chính  vì thế, tết Trung thu lúc đầu là của người lớn, nhưng đến nay đã trở thành lễ hội cho trẻ em; nhưng toàn xã hội, các bậc cha mẹ, ông bà đều phải quan tâm chăm lo lễ tiết này cho trẻ em.

Ở Hội An, vào ngày 14, 15 tháng Tám âm lịch, khắp các làng trên xóm dưới không khí lễ hội diễn ra rất sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như lễ bái trời đất, gia tiên, bày mâm cỗ thưởng trăng, múa thiên cẩu, lân, sư, rồng, rước đèn, ca hát… Vui nhộn nhất vẫn là lớp trẻ con bởi chúng luôn hồn nhiên vui chơi, chạy nhảy tung tăng trên khắp đường làng, ngõ xóm với chiếc đèn lồng trên tay hoặc say sưa với những rò chơi dân gian, hay tham gia, len vào những đám hát  múa mừng trung thu, những tốp múa lân, ông Địa...

Giá trị đặc trưng của lễ hội Trung thu ở Hội An ngày nay chính là ở chỗ nó được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa - Việt Nam có sự giao lưu văn hóa của Trung Hoa - Nhật Bản và được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Hiện nay tại Hội An, hội Tết Trung thu đã trở thành ngày hội định kỳ và tổ chức có qui mô lớn trên địa bàn thành phố.

Phòng Văn hóa và Thông tin

Lượt xem:  1,173 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :