* Lễ hội Tết Dương Lịch:
Lễ tổ chức vào đêm 31 tháng 12 dương lịch, nhằm phục vụ khách du lịch phương Tây và người dân địa phương. Vào ngày này, địa phương có tổ chức gặp mặt cuối năm đối với những người nước ngoài hiện đang làm việc và sinh sống tại Hội An.
Trong đêm hội, chương trình văn nghệ ca nhạc chào mừng năm mới tại sân khấu chính, hoạt động hóa trang dân tộc các nước có quan hệ giao thương với Hội An.
Đêm hội được kéo dài từ tối cho đến thời khắc giao thừa, nối tiếp bằng chương trình khiêu vũ quốc tế và vũ hội đường phố với sự tham gia sôi nổi, hào hứng của nhân dân địa phương và du khách.
* Đêm Phố cổ:
Vào đêm 14 âm lịch hằng tháng, dưới ánh trăng huyền ảo, trên những con đường với ánh sáng lung linh từ các đèn lồng, chương trình Đêm Phố cổ được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống diễn ra trong toàn khu phố cổ.
Hoạt động này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 8/9/1998 và được duy trì đều đặn mỗi tháng cho đến ngày nay.
Vào những Đêm phố cổ, không gian phố càng thêm cổ kính, lung linh sắc màu, đưa người thưởng lãm về với một Hội An vào những năm đầu thế kỷ 20.
Đến với Đêm Phố cổ, du khách sẽ được đắm mình vào không gian huyền ảo, tham gia các trò chơi dân gian, các sinh hoạt truyền thống của người dân địa phương, và thật sự ấn tượng khi cảm thấy mình như đang lạc vào cõi thiên thai.
* Lễ hội Đèn Lồng:
Lễ hội được tổ chức vào dịp Tết dân tộc hằng năm, thường là từ ngày 30 tháng chạp đến Rằm tháng Giêng nhằm tôn vinh những người thợ làm đèn lồng tại Hội An và nhằm tìm kiếm những sản phẩm mới, làm phong phú và đa dạng trong kiểu dáng những chiếc đèn lồng.
Lễ hội Đèn lồng thu hút rất nhiều nghệ nhân đến từ các hộ kinh doanh, sản xuất đèn lồng tham gia và là một nét mới, tạo thêm nhiều sắc màu trong các hoạt động lễ hội tại địa phương.
* Lễ hội Chào mừng Khu phố cổ Hội An được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới:
Vào ngày 4 tháng 12 hàng năm, thành phố Hội An tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (4/12/1999).
Trong lễ hội, ngoài các hoạt động vui chơi, giải trí thường được tổ chức còn có những buổi tọa đàm, hội thảo về công tác bảo tồn, phát huy di tích, di sản, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; thi tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử hay triển lãm tranh ảnh nghệ thuật về mảnh đất và con người của thành phố di sản.
Đây là một hoạt động rất bổ ích, nhằm tôn vinh Khu phố cổ Hội An-Di sản văn hóa thế giới, đồng thời nhằm giáo dục và kêu gọi mọi người dân và du khách cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa của cả nhân loại.
* Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình Di sản”
Lễ hội được tổ chức theo chu kỳ hai năm một lần, vào các năm lẻ, với nhiều hoạt động diễn ra trong toàn tỉnh Quảng Nam, trong đó hai điểm chính của lễ hội là tại Khu phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn.
Tại Hội An, các sự kiện văn hóa diễn ra trong phố, các hoạt động thể thao được tổ chức ngay bãi biển Cửa Đại. Đây là lễ hội đặc trưng và riêng biệt của tỉnh Quảng Nam nói chung, Phố cổ Hội An nói riêng. Các trò chơi như dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Tìm hiểu võ thuật cổ truyền Việt Nam, thử tài chuốt gốm,…
Các hoạt động phụ trợ được tổ chức trong các kỳ lễ hội gần đây hướng đến sự tham gia của cộng đồng dân cư và sự trải nghiệm của du khách qua từng hoạt động. Ngày khai mạc và ngày bế mạc lễ hội có chương trình nghệ thuật đặc sắc thể hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người Quảng Nam.
* Những ngày giao lưu Văn hóa Việt Nam-Nhật Bản
Lễ hội “Những ngày giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản là hoạt động tổ chức phối hợp giữa Hội An và các tổ chức Nhật Bản như Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm hợp tác Nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản (VJCC).
Lễ hội được tổ chức vào những ngày giữa tháng 8 dương lịch hàng năm với các hoạt động đặc trưng của hai nền văn hóa Việt Nam-Nhật Bản như biểu diễn trà đạo, trò chơi xếp giấy (Origami), chụp hình lưu niệm với áo truyền thống Nhật Bản, các hoạt động hướng đến việc chăm lo và bảo vệ môi trường, ẩm thực Việt Nam, trò chơi dân gian Việt Nam...
Lễ hội luôn khẳng định và ngày càng góp phần thắt chặt mối quan hệ văn hóa, hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản hàng trăm năm trước và trong thiên niên kỷ mới.